Nghị luận xã hội | Từ câu chuyện của hòn đá xù xì bị người đời chê bai

Ngày 28/03/2022 17:36:17, lượt xem: 10257

Đề bài: Một hòn đá xù xì án ngữ trước cửa nhà từ lâu. Mọi người định dùng nó để xây tường, làm bậc hè, làm cối,... nhưng nhận thấy không thể được. Một hôm, có một nhà thiên văn đi qua và phát hiện ra hòn đá này. Cuối cùng, người ta đem một chiếc ô tô đến cẩn thận chở nó đi trước sự ngạc nhiên của người dẫn. Hoá ra hòn đá này rơi từ vũ trụ xuống đã mấy trăm năm. Nhà thiên văn nói rằng đó không phải là hòn đá thông thường, "đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt vò quần áo. Nó không phải là thứ để làm những trò ấy, cho nên thường bị người đời chê bai".
(Theo Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 63-64)
Trình bày ý kiến của anh/chị về vấn đề gợi ra từ câu chuyện trên.

 



Bài làm
Người ta thường nói trăm nghe không bằng một thấy, ấy vậy mà đâu phải lúc nào ta cũng nhìn được thấu những thứ ta đang thấy, cũng không phải lúc nào ta cũng nên tin những gì ta thấy. Thật thật giả giả, tin hay không tin, có ích hay không có ích cũng phải tùy vào trường hợp nhất định. Giống như câu chuyện hòn đá cũng vậy, nó vốn vô dụng bỗng một ngày trở thành quý giá bởi “rơi từ vũ trụ xuống đã mấy trăm năm” đặt ta vào vấn đề lớn về cách nhìn nhận giá trị trong cuộc sống.
Câu chuyện ta thấy trước hết hai góc nhìn khác nhau: góc nhìn của những “mọi người” và góc nhìn của “nhà thiên văn”. Ở đây tôi không bàn đến học thức hay trí tuệ mà cần bàn đến góc nhìn theo mục đích của mỗi người. Rõ ràng mọi người thấy hòn đá này “xù xì án ngữ trước của nhà”, chẳng thể dùng xây tường, làm bậc hè hay làm cối, thậm chí có khi còn hơi vướng víu, thật quá vô dụng. Mọi người nhìn nhận giá trị của hòn đá như vậy vốn là bởi đối với họ hòn đá chỉ có mục đích sử dụng đến thế, không có gì hơn. Còn đối với nhà thiên văn, ông ta nhìn hòn đá với tác dụng khác, một tác dụng thần kỳ, cao siêu nào đó.
Thực tế cũng không thể phủ nhận rằng nhà thiên văn vì có kiến thức hơn, có tầm nhìn khác hơn nên mới nhận ra được mặt giá trị cao quý của hòn đá. Nhưng ngược lại với những người bình thường cùng lắm cũng chỉ ngạc nhiên về sự quý hiếm của hòn đá mà thôi. Dù có biết hòn đá quý hiếm hơn nữa, họ ngoài trưng bày cũng chẳng thể làm gì hơn để tận dụng đúng giá trị đó. Nhà thiên văn đã nói: "Đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt vò quần áo. Nó không phải là thứ để làm những trò ấy, cho nên thường bị người đời chê bai". Phải chăng thứ dù có trân quý đến đâu cũng chỉ phát huy giá trị khi nó đến được đặt vào đúng hoàn cảnh xứng đáng.

 

ĐỌC THÊM ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ | CAN ĐẢM ĐỂ ĐI THEO TRÁI TIM VÀ TRỰC GIÁC


Nhắc đến nhìn nhận giá trị, tôi nhớ tới câu chuyện về những bức tranh của Picasso. Thuở niên thiếu, Paulo Picasso là một hoạ sĩ vô danh, nghèo túng ở Paris. Tranh ông vẽ ra không ai quan tâm, không ai biết tới. Không ngờ chỉ khoảng thời gian ngắn sau, tên tuổi của ông đã lan khắp Paris, tranh của ông bán được và trở nên nổi tiếng. Đó là bởi ông đã vẽ đẹp hơn chăng? Không. Đó là bởi ông dát thêm vàng hay bạc lên những bức tranh của mình? Cũng không. Chẳng qua là ông chỉ còn 15 đồng cuối cùng của mình để mở lối cho mọi người nhìn thấy vẻ đẹp tranh ông vẽ bằng cách thuê sinh viên dạo quanh các cửa hàng tranh và hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?”. Khi mọi người chú ý đến tranh của Picasso cũng là lúc những “nhà thiên văn” của chúng xuất hiện để nhận thấy giá trị của nó. Trên đời chẳng có vật gì là không có ích cả. Vô giá hay vô giá trị thật chỉ phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận mà thôi.
Như vậy thì giá trị hay không còn phụ thuộc vào mỗi hoàn cảnh. Nhận biết được, vận dụng được giá trị đó hay không còn tuỳ vào mỗi người. Cơ bản con người cũng vậy, ai cũng có những giá trị riêng phát huy trong từng hoàn cảnh cụ thể, dù ít hay nhiều cũng cần được khám phá và trân quý. Hòn đá đã may mắn gặp được nhà thiên văn, được khẳng định giá trị của mình, còn mỗi chúng ta chắc gì có thể may mắn như thế. Giá trị của bạn nằm ở năng lực của bạn. Vậy nên tôi nhận ra rằng, mình nên đi tìm chìa khóa cho cánh cửa giá trị thần bí của chính bản thân. Tôi đang thử làm nhiều việc, học nhiều thức, tôi thử dấn thân, tôi thử cố gắng hết mình. Và tôi tin chắc rằng đến một ngày, tôi sẽ mở toang kho giá trị ẩn giấu, nâng tầm bản thân.
Có một lần tôi từng đọc vài dòng thơ của Lâm Thị Vĩ Dạ:
“Hoa giả y như thật
Hoa thật sao còn ngờ
Hết xuân hoa thật rụng
Hoa giả - cánh còn trơ.”
Thật giả lẫn lộn, đâu mới là giá trị cốt lõi còn tuỳ vào cách nhìn nhận của mỗi người. Cuộc sống thú vị biết bao khi mọi thứ xung quanh ta luôn là những vùng bí ẩn. Hãy làm nhà thiên văn của chính mình, cứ đi, cứ khám phá, cứ nỗ lực để sẽ thu nhặt thêm những “hòn đá rơi từ vũ trụ” bạn nhé!

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa KIẾN THỨC NỀN TÁC PHẨM LIVESTREAM:  https://bit.ly/khoaKTNtructuyen_HVCH

Link đăng ký khóa LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU: https://bit.ly/LUYENDELOP12

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

 

Tin liên quan